Người không hút thuốc song thụ động hít khói cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh về phổi, ung thư, tử vong, theo TS.BS Phạm Tuấn Anh, Phó trưởng khoa Điều trị A, Bệnh viện K.
Bác sĩ Tuấn Anh cho biết đã có nhiều nghiên cứu đánh giá về các đặc tính vật lý và hóa học của khói thuốc lá. Trong đó, có 3 dòng khói thuốc lá, gồm: khói do người dùng hút trực tiếp vào phổi gọi là dòng khói chính; khói thoát ra từ đầu điếu thuốc đang cháy âm ỉ gọi là dòng khói phụ; khói do người hút thở ra qua miệng và mũi gọi là dòng khói thụ động.
Đánh giá của Cơ quan nghiên cứu Ung thư Quốc tế IARC năm 2004, chỉ ra có khoảng 4.000 hợp chất trong cả khói chính, khói phụ và khói thụ động. Các dòng khói có thành phần gây hại gần tương đồng với nhau. Như vậy, những người không hút thuốc lá trực tiếp nhưng hít phải khói, cũng phải chịu nguy cơ bệnh tật không thua kém những người nghiện thuốc lá.
Khói thuốc thụ động cũng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản ở phụ nữ và liên quan đến tình trạng thiếu cân ở trẻ sơ sinh, là một trong các nguyên nhân của hội chứng đột tử ở trẻ dưới 1 tuổi (SIDS). Trẻ em hít phải khói thuốc thụ động có thể bị nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng tai và khởi phát cơn hen suyễn.
Thế giới đã ghi nhận số lượng ca tử vong lớn do thuốc lá và khói thuốc. Báo cáo xuất bản năm 2010 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thống kê hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm, trong đó hơn 7 triệu ca sử dụng trực tiếp và khoảng 1,2 triệu ca hút thuốc thụ động. Tại Việt Nam, mỗi năm có ít nhất 40.000 người Việt tử vong do sử dụng sản phẩm này.
Theo bác sĩ Tuấn Anh, tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe cộng đồng, kinh tế, xã hội không thể chối cãi. Tuy nhiên việc phòng, chống tác hại của thuốc lá còn khó khăn. Ví dụ gần 70% người Mỹ muốn bỏ hút thuốc, nhưng chỉ khoảng 6% thành công, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC).
"Thủ phạm" chính gây nghiện thuốc lá là nicotine. Nicotine không gây ung thư, song khiến người sử dụng tiếp tục hút thuốc nhiều hơn để xoa dịu cảm giác thèm, duy trì tỉnh táo. Việc này cũng khiến mọi người phơi nhiễm với các chất độc hại có trong khói thuốc.
Bác sĩ Tuấn Anh nhận định cai thuốc là giải pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Tuy nhiên cai thuốc khó khăn, mà cần thời gian thực hiện dần dần. Nếu một người đột ngột bỏ thuốc, có thể xuất hiện hội chứng cai, gồm: rối loạn cảm xúc và giấc ngủ, cảm thấy bứt rứt, hay cáu gắt, nổi giận, cảm giác sốt ớn lạnh... Khi thất bại, mọi người thường có xu hướng hút thuốc trở lại, thậm chí tăng lượng sử dụng.
Do đó, y khoa hướng người muốn cai nghiện sử dụng 2 nhóm sản phẩm chứa "nicotine sạch" (có nicotine, không khói) để từ đó tiến đến cai hoàn toàn thuốc lá.
Nhóm thứ nhất là các liệu pháp thay thế nicotine bao gồm miếng dán thấm qua da, thuốc xịt, kẹo cao su và viên ngậm. Lưu ý các sản phẩm này phải được sử dụng có kiểm soát và có chỉ định y khoa. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ càng chuyển từ thuốc lá truyền thống sang các sản phẩm này. Lý do là bên cạnh nghiện nicotine, 90% người hút thuốc còn nghiện hành vi, thói quen, hành động hút thuốc (cầm, nắm, rít... điếu thuốc).
Nhóm thứ hai là các sản phẩm thuốc lá không khói với công nghệ làm nóng không đốt cháy, có sự kiểm soát nhiệt độ. Tuy nhiên, các sản phẩm này vẫn có hại cho sức khỏe, chỉ làm giảm phơi nhiễm với chất gây hại.
Bên cạnh đó, bác sĩ Tuấn Anh tư vấn thêm nhóm giải pháp tăng tỉ lệ cai nghiện thành công. Đó là các liệu pháp hành vi như: tư vấn trực tiếp hoặc gián tiếp từ các chuyên gia, truyền thông nâng cao nhận thức, tăng cường sự hỗ trợ từ gia đình...
Nguồn: Vì sao vẫn mắc ung thư dù không hút thuốc? - VnExpress Sức khỏe