Theo Hội Đột quỵ TP.HCM, nếu kiểm soát tốt tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể sẽ giúp giảm 27% nguy cơ đột quỵ.
Đột quỵ và thừa cholesterol - mối liên quan nguy hiểm
TS.BS Nguyễn Bá Thắng - phó chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, trưởng Trung tâm khoa học thần kinh Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - lý giải:
"Cholesterol vốn là thành phần thiết yếu trong cơ thể, nhưng tình trạng thừa cholesterol sẽ gây ra hiện tượng tích tụ, tạo ra các mảng xơ vữa khiến mạch máu hẹp lại và cuối cùng dẫn đến tắc nghẽn, từ đó gây thiếu máu não dẫn đến đột quỵ".
Ông cũng cho biết hiện nay 75% các ca đột quỵ có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến thừa cholesterol.
Đây là thực trạng mà rất nhiều người Việt Nam đang mắc phải và có nguy cơ trẻ hóa. Trung bình cứ 10 người Việt Nam trưởng thành thì có 3 người bị thừa cholesterol (thông tin từ Bộ Y tế trong lễ phát động "Tháng hành động đẩy lùi tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể" năm 2020).
Thực tế, đi cùng với thực trạng báo động về vấn đề thừa cholesterol, ghi nhận tại các bệnh viện lớn ở Việt Nam, số lượng ca đột quỵ tăng gấp 3 - 4 lần so với 10 năm trước. Các thống kê cũng cho thấy bệnh nhân đột quỵ dưới 45 tuổi đang ngày càng gia tăng.
Đáng nói hơn, đột quỵ không chỉ ảnh hưởng đến người bệnh mà còn gia tăng gánh nặng cho cả gia đình và xã hội, bởi 50% trường hợp đột quỵ không thể tự sinh hoạt mà phải sống lệ thuộc vào người khác và 75% bệnh nhân đột quỵ không thể trở về cuộc sống sinh hoạt bình thường.
Tình trạng thừa cholesterol có thể kiểm soát được không?
Theo Hội Đột quỵ TP.HCM, nếu kiểm soát tốt tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể sẽ giúp giảm 27% nguy cơ đột quỵ. Hơn nữa, theo Viện Y học ứng dụng Việt Nam, chế độ ăn uống được coi là một trong số những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được để kiểm soát tình trạng thừa cholesterol.
Viện Y học ứng dụng Việt Nam đồng thời chỉ ra có hai nguyên nhân chính dẫn đến thừa cholesterol bao gồm: yếu tố không thay đổi được là di truyền, tuổi tác, giới tính, bệnh lý nền, còn yếu tố thay đổi được xuất phát từ thói quen hằng ngày như chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, lối sống thiếu vận động, hút thuốc lá, dùng chất kích thích (rượu, bia...).
Do đó, ngoài yếu tố không thay đổi được thì mỗi người đều có thể kiểm soát tình trạng thừa cholesterol bằng các biện pháp như tầm soát, kiểm tra sức khỏe định kỳ, tăng cường vận động, tập luyện thể dục thể thao và đặc biệt là áp dụng một chế độ dinh dưỡng khoa học.
Viện Y học ứng dụng Việt Nam khuyến nghị một số hướng dẫn áp dụng trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày để người dân có thể tự kiểm soát tình trạng thừa cholesterol.
Cụ thể: cần hạn chế ăn nội tạng động vật và thịt đỏ. Nếu ăn thịt chỉ nên sử dụng phần nạc và bỏ phần da, mỡ; tăng lượng protein từ cá, hải sản, đậu đỗ; tăng cường bổ sung rau xanh, các thực phẩm chứa chất xơ hay các loại quả chín ít ngọt...
Có thể sử dụng dầu thực vật hỗn hợp có chứa dầu gạo lứt trong việc nấu nướng hằng ngày để phòng ngừa tình trạng thừa cholesterol và đặc biệt có thể sử dụng cho những người bị rối loạn lipid máu, thừa cân béo phì.
TS.BS Trương Hồng Sơn (viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam)
Đáng chú ý, TS.BS Trương Hồng Sơn, viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, nhấn mạnh đến vấn đề cần chọn lọc, sử dụng nguồn chất béo có lợi cho sức khỏe.
Hiện nay, nhiều người Việt cho rằng để giảm cholesterol trong máu nên loại bỏ hoàn toàn chất béo ra khỏi khẩu phần ăn. Đây là quan niệm không đúng, trên thực tế chất béo là một nhóm chất thiết yếu mà cơ thể cần dung nạp mỗi ngày với hàm lượng hợp lý, không kiêng sử dụng chất béo, mà nên sử dụng chất béo tốt thay vì sử dụng các chất béo có hại.
Cụ thể nên hạn chế sử dụng nguồn chất béo từ nội tạng động vật, nước luộc thịt, óc, lòng, mỡ động vật, thức ăn nhanh, đồ đóng hộp...
Thay vào đó, tăng cường bổ sung nguồn chất béo có lợi thường được tìm thấy nhiều trong các loại cá biển sâu như cá hồi, cá trích và trong các loại dầu thực vật như dầu gạo lứt, dầu đậu nành, dầu hướng dương... Những loại dầu này còn đặc biệt giàu Gamma-Oryzanol và Phytosterol có khả năng giảm cholesterol máu.
Mới đây, Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã triển khai nghiên cứu đánh giá hiệu quả của dầu thực vật hỗn hợp có chứa dầu gạo lứt đối với tình trạng tăng cholesterol máu và đã nhận thấy các kết quả tích cực.
Nghiên cứu được tiến hành từ tháng 5 đến tháng 10 năm 2020 trên 80 người trưởng thành từ 40 - 60 tuổi bị thừa cân béo phì và tăng cholesterol máu.
Kết quả nghiên cứu cho thấy sau 60 ngày áp dụng bữa ăn hợp lý có sử dụng dầu thực vật có chứa Gamma-Oryzanol và Phytosterol cho thấy: chỉ số LDL-C (cholesterol xấu) giảm 23,7%, chỉ số triglyceride giảm 34,2%, khối lượng mỡ giảm 4,4% (0,8kg).
TS.BS Trương Hồng Sơn, viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết: "Kết quả này cho thấy dưỡng chất Phytosterol có tác dụng giúp cơ thể giảm hấp thụ cholesterol. Trong khi đó, Gamma-Oryzanol có tác dụng ức chế enzyme thúc đẩy sản xuất cholesterol và tăng đào thải cholesterol thừa ra khỏi cơ thể.
Do đó, có thể sử dụng dầu thực vật hỗn hợp có chứa dầu gạo lứt trong việc nấu nướng hằng ngày để phòng ngừa tình trạng thừa cholesterol và đặc biệt có thể sử dụng cho những người bị rối loạn lipid máu, thừa cân béo phì".
Kiểm soát thừa cholesterol để phòng tránh nguy cơ đột quỵ là vấn đề người dân cần chủ động trang bị kiến thức, để tự bảo vệ chính mình và người thân khỏi nguy cơ bị đột quỵ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đột quỵ là một trong ba nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cùng với bệnh tim mạch và ung thư. Còn tại Việt Nam thì đột quỵ lại là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu - theo thống kê từ Bộ Y tế.
Nguồn: https://tuoitre.vn/kiem-soat-thua-cholesterol-giam-27-nguy-co-dot-quy-20210627084224266.htm