4 nguyên tắc trong tuân thủ điều trị bệnh lao
Khi đã được chẩn đoán mắc bệnh lao, người bệnh có thể đăng ký điều trị bệnh lao tại cơ sở y tế gần với nơi mình cư trú nhất để được điều trị ngay. Phác đồ điều trị lao đã được Bộ Y tế ban hành thống nhất trên toàn quốc. Bên cạnh đó, người bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc điều trị sau:
1. Phối hợp các thuốc chống lao
Với bệnh lao còn nhạy cảm với thuốc: phối hợp ít nhất 3 loại thuốc chống lao trong giai đoạn tấn công và ít nhất 2 loại trong giai đoạn duy trì.
Với bệnh lao đa kháng: phối hợp ít nhất 5 thuốc có hiệu lực, bao gồm Pyrazinamid và 4 thuốc lao hàng hai có hiệu lực.
2. Dùng thuốc đúng liều
Các thuốc chống lao tác dụng hợp đồng, mỗi thuốc có một nồng độ tác dụng nhất định. Nếu dùng liều thấp sẽ không hiệu quả và dễ tạo ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc, nếu dùng liều cao dễ gây tai biến.
3. Dùng thuốc đều đặn
Các thuốc chống lao phải được uống cùng một lần vào thời gian nhất định trong ngày và xa bữa ăn để đạt hấp thu thuốc tối đa. Với bệnh lao đa kháng, người bệnh cần dùng thuốc 6 ngày/tuần, đa số thuốc dùng 1 lần vào buổi sáng, trừ một số trường hợp đặc biệt.
4. Dùng thuốc đủ thời gian và theo 2 giai đoạn tấn công và duy trì
Giai đoạn tấn công kéo dài 2 đến 3 tháng nhằm tiêu diệt nhanh số lượng lớn vi khuẩn có trong các vùng tổn thương để ngăn chặn các vi khuẩn lao đột biến kháng thuốc. Giai đoạn duy trì kéo dài 4 đến 6 tháng nhằm tiêu diệt triệt để các vi khuẩn lao trong vùng tổn thương để tránh tái phát.
Với bệnh lao đa kháng: Phác đồ điều trị chuẩn ngắn hạn từ 9 -11 tháng có giai đoạn tấn công 4 đến 6 tháng, phác đồ điều trị chuẩn 20 tháng có thời gian tấn công 8 tháng. Phác đồ cá nhân có thể thay đổi thời gian sử dụng của từng loại thuốc tùy thuộc vào kết quả kháng sinh đồ, đáp ứng điều trị, tiền sử điều trị và khả năng dung nạp thuốc của bệnh nhân
Người bị bệnh lao phải tuân thủ bốn nguyên tắc điều trị trên và được theo dõi trong suốt quá trình điều trị. Việc không tuân thủ các hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa sẽ tạo điều kiện để phát triển thành thể lao kháng thuốc, mắc thể lao nặng hơn, khó chữa hơn, tỷ lệ điều trị thành công thấp hơn và dễ tử vong hơn. Đặc biệt, đây cũng sẽ là nguồn lây dai dẳng và nguy hiểm cho cộng đồng.
Nguồn: Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh